Quỳnh NguyễnGiám đốc điều hành - Công ty CP Phần mềm Hà Nội
11:15' CH - Thứ bảy, 06/11/2004
Hiện tại trên thế giới cũng như ở Việt Nam có rất nhiều sản phẩm/giải pháp portal hoặc được gọi là "sản phẩm/giải pháp portal" mã nguồn mở hoặc là một phiên bản Việt hoá và có sửa đổi từ mã nguồn mở, các sản phẩm/giải pháp này được xây dựng trên nhiều ngôn ngữ/công nghệ khác nhau.
Tại đây, chúng tôi chỉ xin liệt kê và nhận xét về một số sản phẩm/giải pháp portal thông dụng nhất (được nhiều người sử dụng nhất - lưu ý: được sử dụng nhiều nhất chưa chắc đã là tốt nhất).
Giải pháp uPortal được tổ chức JA-SIG phát triển trên nền công nghệ Java nhắm vào mô trường đại học (thế nên mới có tên là uPortal - University Portal). Đây là portal thông dụng nhất (nổi tiếng nhất) trong các portal mã nguồn mở xây dựng bằng Java.
JA-SIG chỉ phát triển portal core mà không phát triển các module nghiệp vụ do đó các đơn vị sử dụng giải pháp uPortal phải tự phát triển module nghiệp vụ hoặc mua/tích hợp các module nghiệp vụ của hãng thứ 3, và số lượng các hãng cung cấp và xây dựng module cho uPortal trên thế giới và ở Việt Nam cũng khá nhiều.
Tuy vậy, một điều đáng tiếc là khi Java Community Process ấn định tiêu chuẩn JSR 168 cho portal thì JA-SIG không được tham gia (và có thể là không biết đến), thế nên JA-SIG công bố uPortal chỉ áp dụng tiêu chuẩn Portlet API (JSR 168) từ phiên bản 3.0 trở đi, điều đó có nghĩa là các ứng dụng đã viết cho uPortal hoặc đã tích hợp với uPortal sẽ phải xây dựng lại từ đầu khi nâng cấp lên phiên bản 3.0.
Hiện tại ở Việt Nam một số phiên bản uPortal 2.x đã được một số đơn vị Việt hoá và đưa sử dụng ở một số nơi như: giải pháp VPortal của VietSoftware cung cấp cho cho UBND Thành phố Hà Nội, UBND Tỉnh Bình Định, VP Bộ Công Thương, ... (tuy vậy, đến ngày hôm nay VietSoftware đã vứt bỏ giải pháp này, thay vào đó là giải phảp XPortal là bản Việt hoá của Liferay Portal - chỉ support JSR 168), giải pháp Asia Portal của Asia Soft cho UBND Tỉnh Vĩnh Phúc, ... Tất cả các portal này đều hứa hẹn việc vứt bỏ và xây dựng lại trong tương lai vì không thể mở rộng hoặc mở rộng quá tốn kém.
Giải pháp Zope (Z Object Publishing Environment) được Zope.org phát triển trên ngôn ngữ Python và hiện đang được sử dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Điểm khác biệt hoàn toàn của ZOP là ZOPE yêu cầu phải có web server riêng, và đặc biệt ZOPE là kết quả bài tập lớn của một ông giáo sư hướng dẫn sinh viên (tại Hoa Kỳ) nên hiệu năng rất kém (so với Apache và IIS), tốc độ chậm và tốn tài nguyên phần cứng.
Tại Việt Nam, giải pháp Zope cũng đã được một số công ty Việt hoá và đưa vào sử dụng, điển hình như: giải pháp TVIS của công ty Tinh Vân (Việt hoá sản phẩm Plone CMS - do đội ngũ xây dựng ZOPE viết và chạy trên nền tảng ZOPE) đang được dùng cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp VKportal của công ty Việt Khang, ...
Mặt khác, ZOPE không hỗ trợ các tiêu chuẩn về portal nên việc mở rộng trong tương lai chỉ bó hẹp trong hãng cung cấp dịch vụ, ngoài ra không thể tích hợp được với các hệ thống khác.
Là giải pháp được xây dựng trên ngôn ngữ PHP thông dụng nhất hiện nay, được tích hợp nhiều module ứng dụng từ rất nhiều hãng/nhóm khác nhau. Về sau, những thế hệ mới hoặc những biến thể tách ra từ phpNuke như Mambo, Joomla được cải tiến mạnh mẽ và uyển chuyển hơn. Tuy nhiên, phpNuke và những biến thể cũng chỉ là những giải pháp dựa trên ngôn ngữ kịch bản (scripting language) nên khả năng mở rộng và xử lý dữ liệu lớn là không cao.
Hiện tại ở Việt Nam cũng có khá nhiều đơn vị, bộ/ngành sử dụng phpNuke đã được Việt hoá hoặc một biến thể. Mặt khác, do phpNuke không hướng tới "đa ngôn ngữ" nên khi có bản nâng cấp/sửa lỗi thì các giải pháp dựa trên phpNuke đã được Việt hoá không nâng cấp được hoặc phải Việt hoá và chỉnh sửa lại từ đầu.
Ngoài ra, phpNuke không hỗ trợ các chuẩn về portal nên việc mở rộng trong tương lai chỉ bó hẹp trong hãng cung cấp dịch vụ hoặc tích hợp với các module xây dựng cho phpNuke chứ không thể tích hợp được với các hệ thống khác, nhất là các hệ thống theo tiêu chuẩn công nghiệp.
Là giải pháp do đội ngũ xây dựng sản phẩm ASP.NET của Microsoft xây dựng lên với mục đích lấy đó để làm ví dụ học ngôn ngữ mới cho cộng đồng lập trình viên .NET thủa ban đầu (cuối năm 2000). Do vậy, giải pháp này chỉ có giá trị đối với lập trình viên trong giai đoạn học lập trình với ASP.NET hoặc áp dụng cho các đơn vị có khối lượng thông tin ít hoặc các nghiệp vụ không phức tạp (là các đơn vị không cần đến portal!!!). Sau này đã có thêm các giải pháp portal viết trên công nghệ .NET là những biến thể hoặc dựa trên kiến trúc ban đầu của IBuySpy Portal như: DotNetNuke, Rainbow Portal, ...
Giải pháp DotNetNuke được phát triển từ IBuySpy Portal với phiên bản ngôn ngữ Visual Basic .NET, tuy ban đầu kế thừa kiến trúc của IBuySpy nhưng hiện tại đã điều chỉnh và sửa đổi khá nhiều. Đây là Web framework viết trên .NET nổi tiếng nhất (thông dụng nhất) thế giới hiện nay (được tạp chí VB Maganize đánh giá là sản phẩm viết bằng Visual Basic .NET hay nhất năm 2003).
Hiện tại ở Việt Nam cũng có khá nhiều đơn vị bộ ngành cũng như doanh nghiệp/tổ chức đã Việt hoá DotNetNuke và đưa vào sử dụng (thậm chí chỉ biết duy nhất đến giải pháp này mà thôi). Tuy nhiên, với các phiên bản 2.x thì DotNetNuke không hỗ trợ "đa ngôn ngữ" nên khi có bản nâng cấp/sửa đổi thì các hệ thống DotNetNuke đã Việt hoá không thể nâng cập được.
Bản thân hãng phát triển DotNetNuke chỉ khẳng định DotNetNuke là một bộ khung phát triển website (web development framework) chứ không phải là một portal framework nên DotNetNuke cũng không tuân thủ và hỗ trợ các tiêu chuẩn về portal như Portlet API (JSR 168) và WSRP (Web Services for Remote Portlets) nên không có khả năng chia sẻ thông tin ra bên ngoài cũng như đưa các ứng dụng chạy trên portal (portlet) vào.
Mặt khác, trên lý thuyết và mô hình DotNetNuke hỗ trợ các phương án xác thực thông qua LDAP (dùng cho Single Sign On), hỗ trợ nhiều loại máy chủ CSDL với mô hình Data Access Provider Factory, ... nhưng trên thực tế ở Việt Nam chưa có đơn vị nào tích hợp được DotNetNuke với Windows Active Directory (chứ chưa dùng đến LDAP của hãng khác), hoặc khi phải chuyển đổi máy chủ CSDL sang Oracle hoặc IBM DB2 thì phải viết lại Data Access Layer (do các phiên bản hiện tại DotNetNuke dùng Microsoft SQL Server với khối lượng các stored procedure rất lớn). Do vậy, khả năng mở rộng của DotNetNuke hiện tại chỉ giới hạn trong giải pháp nền của Microsoft chứ không thể mở rộng ra các nền tảng khác hoặc chạy trên Linux.
Cũng tương tự như DotNetNuke, giải pháp Rainbow Portal được phát triển từ IBuySpy Portal nhưng với phiên bản ngôn ngữ Visual C# .NET, và với sự điều chỉnh và sửa đổi khá nhiều, hiện tại Rainbow Portal có khả năng tích hợp được với LDAP hoặc chuyển đổi sang máy chủ CSDL khác một cách nhẹ nhàng hơn DotNetNuke. Chính vì lý do đó, Rainbow Portal đã được chuyển đổi và chạy thành công trên Mono Framework (là nền tảng cho phép các ứng dụng việt bằng .NET chạy được trên Linux hoặc một vài hệ điều hành khác ngoài Windows).
Hiện tại Rainbow Portal cũng không tuân thủ và hỗ trợ các tiêu chuẩn về portal như Portlet API (JSR 168) và WSRP (Web Services for Remote Portlets) nên không có khả năng chia sẻ thông tin ra bên ngoài cũng như đưa các ứng dụng chạy trên portal (portlet) vào. Tuy vậy, nhóm phát triển thế hệ kế tiếp của Rainbow (Rainbow Next Generation DevTeam) cũng đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống để có thể hỗ trợ chuẩn WSRP hoặc Portlet API, khi đó Rainbow Portal sẽ thực sự trở thành một portal server chứ không còn là web development framework như DotNetNuke nữa.
Hiện tại ở Việt Nam cũng có khá nhiều đơn vị bộ ngành cũng như doanh nghiệp/tổ chức đã Việt hoá và phát triển thêm module cho Rainbow Portal và đưa vào sử dụng, điển hình là giải pháp được sử dụng cho Trường ĐH Y tế Cộng đồng Hà Nội gian đoạn năm 2004.
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin, mã nguồn, trao đổi - thảo luận, ... đối với các giải pháp nguồn mở trên khắp thế giới tại SourceForge.net.