Tài sản “ ảo” tiền tỉ rồi sẽ đi về đâu?

Lê MỹTin học và đời sống
10:12' SA - Thứ sáu, 13/03/2009

Pháp luật không công nhận tài sản ảo, nhà phát hành game coi đó chỉ là một đoạn code thuộc về game. Nhưng có những đại gia đã bỏ ra cả tiền tỉ đồng để mua những thứ ảo ảnh đó. Liệu rồi nó sẽ đi về đâu khi một game online bước vào giai đoạn kết thúc của mình? Câu chuyện về sự trượt giá, rao hán hàng loạt account cấp cao giá phải chăng vẫn ế ẩm gần đây ở VLTK là một điều đáng ngẫm.

Tiền tỉ mua đồ ảo

Xuất hiện năm 2005, game online Võ lâm truyền kỳ do VinaGame phát hành đã nhanh chóng chiếm ngôi đầu trong làng game online Việt bởi số lượng người chơi đông đảo của mình. Nó thật sự đã trở thành một xã hội ảo thu nhỏ mà ở đó có người tốt, kẻ xấu, người giàu, kẻ nghèo, thậm chí có cả những kẻ lừa đảo và ăn cắp của người khác... nhiều người bị cuốn hút vào game và câu hỏi ai sẽ là người đoạt ngôi đầu trong game và ai sẽ là kẻ mạnh nhất đã đẩy nhiều người vào cày và đổ tiền mua danh.

Sự cạnh tranh đã diễn ra hết sức khốc liệt và ai cũng muốn mình sẽ lên lớp, sẽ sở hữu được những trang bị "khủng" nhất và có thể đánh bại được mọi đối thủ. Chính vì vậy mà khi VinaGame cập nhật các phiên bản mới cho xuất hiện các trang bị hoàng kim môn phái, nhẫn vô danh, vũ khí kỹ năng... đã có một làn sóng đua tranh để sở hữu những môn đồ "ảo" này của các đại gia ngoài đời thật hóa thân vào game. Chính vì thế giá trị các món đồ ảo, nhân vật ảo trong Võ lâm truyền kỳ đã được đẩy lên rất cao từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng tiền thật ngoài đời.

Cột mốc đầu tiên đánh dấu cho việc chạy đua của các đại gia này là vào khoảng đầu năm 2007, khi một công ty chuyên kinh doanh đồ ảo trong game võ lâm là M4G tổ chức đấu giá các tiềm trong game mà mình thu mua được. Tại phiên đấu giá đó một nhân viên văn phòng chơi nhân vật có tên excavator đã làm cho tất cả những game thủ tham gia phải “giật mình” khi bỏ ra 251 triệu để mua chiếc nhẫn xanh cộng kỹ năng 2 cấp, kháng băng 23% được đem ra đấu giá. Việc bỏ một số tiền lớn như thế vào trong thế giới ảo đã gây xôn xao giới game thủ cũng như dư luận về hành động “ ngông” của vị đại gia này.

Tuy nhiên, việc excavator mua nhẫn chưa lắng xuống thì ngay sau đó cũng từ website M4G đã xuất hiện thông tin còn gây sốc cho mọi người hơn về việc đại gia Hắc Điểu, Giám đốc một doanh nghiệp ở miền Nam, người đầu tiên sở hữu cặp nhẫn vô danh giới chỉ có giá trị theo game thủ định giá lúc đó là 390 triệu đồng, đã mua lại tài khoản Nga My moAmi của excavator với giá 1 tỉ 234 triệu đồng. Đây là một vụ giao dịch tài khoản ảo được các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều. Nhưng sau đó đại diện M4G đã đính chính lại đó chỉ là họ định giá chứ sự việc không có thật. Nhưng trong giới game thủ lúc đó vẫn tin vụ giao dịch đó là có và thực tế sau đó Hắc Điểu đã là người sở hữu nhân vật Nga My truyền kỳ ở trên.

Nhưng vụ giao dịch đáng chú ý nhất lại diễn ra vào trước thềm giải đấu Thiên hạ đệ nhất bang lần 4. Đó là việc ông Phạm Trường Sơn, Giám đốc của M4G bỏ ra 1,8 tỉ đồng để trở thành người sở hữu hai tài khoản game là moAmi và Tam Hắc từ đại gia Hắc Điểu. Và mục đích mua 2 tài khoản đó được ông Sơn trả lời khá đơn giản là vì đam mê đồ ảo, cũng muốn trở thành người đứng đầu trong võ lâm nên đã mua chúng. Một kiểu "chơi ngông" của những đại gia mê game.

Và kết thúc Thiên hạ đệ nhất bang lần 4, các đại gia Sài Thành thất trận đã quyết định đem các tài sản ảo có giá trị của mình rao bán. Trong đó đáng chú ý là nhân vật -=LIET@HOA=- đã rao bán hai account của mình là: Nga My Ultraviolet@1 cấp 199 + 28 tỉ điểm kinh nghiệm, trang bị vũ khí kỹ năng 2 cấp, cặp nhẫn vô danh, giày, ngọc bội và đai lưng hoàng kim môn phái. Tài khoản Thiếu Lâm -=LIET@HOA=- cấp 199 + 8 tỉ kinh nghiệm với vũ khí là đao và bổng hoàng kim môn phái, áo thiếu lâm max opt và trang bị hồng ảnh...

Một đại gia nữa cũng rao bán tài khoản game của mình là NU TUONG NGA MY cấp 199 + 42 tỉ kinh nghiệm, trang bị vũ khí cộng 2 kỹ năng, cặp nhẫn vô danh, giày, ngọc bội và dây chuyền hoàng kim môn phái Nga My. Nhân vật Bánh Chưng môn phái Thúy Yên cấp 199 + 32 tỉ kinh nghiệm với trang bị đơn đao, bao tay Thúy Yên max opt, hồng ảnh và nhiều trang bị khác. Sau đó là Võ Đang BAOQUAN cấp 199 + 26 tỉ kinh nghiệm, mang dây chuyền cạp phong, ngọc bội lăng nhạc võ đang và vũ khí cộng 1 kỹ năng. Để có những nhân vật “khủng” như trên vị đại gia này đã bỏ vào game hàng tỉ đồng tiền thật.

Tài sản ảo rồi sẽ đi về đâu ?

Pháp luật việt Nam không công nhận tài sản ảo, vì thực tế cũng không có căn cứ nào để xác nhận được sự tồn tại của nó. Đã có rất nhiều vụ trộm cắp, cướp giật liên quan đến tài sản ảo cũng đã được người bị hại báo cho công an, nhưng tất cả đều phải lắc đầu bởi không thể có chứng cứ cụ thể để kết luận. Còn nhà phát hành game thì cũng không công nhận cũng như bảo hộ tài sản ảo, người đứng đầu của công ty VinaGame ông Lê Hồng Minh, cũng như các đại diện truyền thông, giám đốc sản phẩm game Võ lâm truyền kỳ, khi được hỏi về vấn đề tài sản ảo trong game nhà phát hành có công nhận hay không? Đều luôn khẳng định: “Tài sản ảo chỉ là một đoạn code trong game và đều thuộc về game. VinaGame không công nhận cũng như khuyến khích các game thủ thực hiện các giao dịch những tài sản này bằng tiền thật”. Thế nhưng nhu cầu là có thật và vẫn có những người bỏ ra cả tỉ đồng để mua các tài sản ảo như trên.

Bỏ vào nhân vật game của mình số tiền có giá trị ngang ngửa với một căn nhà thuộc loại cao cấp ở ngoài xã hội. Các đại gia trong game cũng không thể trả lời nổi câu hỏi các tài sản ảo của mình rồi sẽ đi về đâu, đặc biệt khi game Võ lâm truyền kỳ đã chuyển sang giai đoạn cuối của nó. Đơn cử, giá trị của các tài sản ảo ở trên cũng đang dần đần mất giá từng ngày. Cụ thể nhân vật Nga My truyền kỳ moAmi ở trên nếu như các đại gia bỏ ra cả tỉ đồng để sở hữu nó thì giờ cũng chỉ có giá trị không quá 200 triệu đồng. Hay các nhân vật của các đại gia Sài Thành, họ đã đầu tư vào đó hàng tỉ đồng giờ rao bán có vài trăm triệu cũng chẳng ai dám mua.

Sau này, khi game Võ lâm truyền kỳ đóng cửa thì các đại gia sẽ làm gì với các tài sản ảo đó? Một câu hỏi sẽ dễ dàng tìm ra được câu trả lời đó là "vất bỏ", bởi thật sự họ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc đó Thế là, có một cuộc "vất bỏi, liền tỉ được diễn ra rất nhẹ nhàng, như là một trò chơi. Lẽ thường của mọi trò chơi chiến thắng sẽ được vinh danh còn kẻ thất bại sẽ bị cười chê và sau đó lại tiếp tục đầu tư để nhằm vươn lên chiếm vị trí đứng đầu. Mà điển hình rõ nhất là việc các đại gia ở Vu Sơn sau khi liên tục thất bại ở các giải đấu Thiên hạ đệ nhất bang trước đã bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư cho giải năm nay, thế nhưng họ vẫn tiếp tục thất bại và có vẻ như họ đã nản nên rao bán tài khoản game mặc dù chấp nhận bị lỗ, chấp nhận mất đi vài trăm triệu đồng trong một cuộc chơi.

Ừ, nghề chơi thì thời nào, loại gì chơi cho đến đầu đến đũa thì cũng lắm công phu, tiền bạc. Duy chỉ có trò chơi này khi tất cả một ngày nọ biến đi như bọt bong bóng xà phòng.

Tài sản “ ảo” tiền tỉ rồi sẽ đi về đâu?
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,